Tên gọi Cù lao Phố dân dã là một danh xưng dễ quen, dễ nhớ về một địa điểm thuộc xã Hiệp Hoà, được mệnh danh “chốn đô hội“ của xứ Biên Hoà. Nhóm người Hoa của Trần Thượng Xuyên đã có công lớn trong việc tạo dựng thương cảng ở Cù lao Phố. Theo sử liệu, năm 1679, đựơc sự chấp thuận của chúa Nguyễn, nhóm người Hoa do Trần Thượng Xuyên đến sinh sống ở xứ Bàn Lân (tức Biên Hòa ngày nay). Trần Thượng Xuyên thấy địa hình này có ưu thế cho việc phát triển nông nghiệp, lại thuận tiện giao thông thủy, bộ; có lợi cho việc buôn bán nên đã xây dựng nơi đây thành một thương cảng. Đường xá ở Cù lao Phố được mở mang, phố xá được tạo dựng, chợ búa được thành lập, hàng hóa dồi dào, thường xuyên có nhiều tàu nước ngoài đến buôn bán.
Cảnh phồn vinh, sầm uất của Cảng thị Cù lao Phố được sử sách ghi chép: “Nông Nại đại phố ở đầu phía Tây Cù lao Đại phố được kiến thiết phố xá, mái ngói tường vôi, lầu cao quán rộng, dọc theo bờ sông liền lạc tới năm dặm. Chia vạch làm ba đường phố: đường phố lớn lót đá trắng, đường phố ngang lót đá ong, phố nhỏ lót đá xanh, đường rộng bằng phẳn”’ hay “phố chợ thương mại, giao thông với người Tàu, người Nhật Bản, Tây Dương, Đồ Bà (Java). Kẻ buôn tụ tập, ghe thuyền lớn ở biển và ở sông đều neo liên tiếp nhau, ấy là một chỗ đại đô hội…”.
Cù lao Phố trở thành một trung tâm thương mại và giao dịch vào loại nhất của Nam Bộ vào thời bấy giờ nhờ có ưu thế của một cảng sông sâu trong nội địa, đầu mối tập trung nhiều loại hàng hoá. Vùng Cù lao Phố cũng là nơi hình thành sớm các ngành nghề thủ công: dệt chiếu, làm tơ lụa, làm gốm, mộc, đúc đồng, làm pháo hay chăn nuôi tằm, trồng mía, nấu đường… Ngoài nguồn hàng cung cấp tại chỗ, thương cảng Cù lao Phố còn tiếp nhận các nguồn hàng hóa từ nơi khác trên vùng Đồng Nai lúc bấy giờ như Phước Thiền, Bến Gỗ, Bến Cá…
Với vị thế của một thương cảng sầm uất, Cù lao Phố còn là nơi được xây dựng những kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng đồ sộ lúc bấy giờ. Chắc chắn, những công trình kiến trúc được xây dựng trong thời kỳ lịch sử bấy giờ không chỉ đáp ứng cho nhu cầu tâm linh của cư dân tại chỗ mà còn cho các khách của vùng lân cận, vùng xa đến chiêm ngưỡng hay trong dịp mua bán hàng hóa. Thế nhưng, kiến trúc phong quang của Cù lao Phố bị ảnh hưởng và tàn phá nặng nề qua cuộc bạo loạn của thương nhân người Phước Kiến là Lý Văn Quang vào năm 1747; trong cuộc tranh chấp giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh, đặc biệt vào năm 1776, Cù lao Phố bị tàn phá “…từ đấy chỗ nầy biến thành gò hoang, sau khi trung hưng, người ta tuy có trở về, nhưng dân số không được một phần trăm lúc trước”. Hầu hết đền, chùa, đình, miếu và phố xá ở Cù lao Phố thời còn là “xứ đô hội“ đã bị thời gian, chiến tranh tàn phá nặng nề.
Địa bàn vốn là thương cảng xưa nay trở thành một vùng cù lao xanh tươi giữa lòng thành phố Biên Hoà với cảnh trí nên thơ hữu tình, những vườn cây trái xum xuê, cánh đồng lúa trải dài, nước sông bốn mùa tươi mát. Hiếm có vùng đất nào với vị thế đơn vị hành chánh cấp xã ở Nam Bộ có mật độ của nhiều cơ sở tín ngưỡng như trên vùng đất Cù lao Phố. Cù lao Phố có đến 5 ngôi chùa, 3 tịnh xá và 11 ngôi đình, 1 biểu toà Cao Đài, nhiều ngôi miếu…Trong đó, có 4 di tích được nhà nước xếp hạng. Gắn liền với các thiết chế tín ngưỡng này là những di sản văn hoá phi vật thể vô cùng phong phú của những thế hệ tiền nhân thuở đầu khai phá vẫn còn được bảo lưu cho đến ngày nay. Trong quy hoạch tổng thể phát triển của thành phố Biên Hòa, làng Hiệp Hòa – thương cảng Cù lao Phố xưa với địa thế thuận lợi, thiên nhiên hữu tình sẽ phát triển trở thành khu du lịch sinh thái độc đáo trong lòng của thành phố công nghiệp Biên Hòa, giữa khu vực động lực kinh tế ở miền Đông Nam Bộ.
Nguồn bài viết từ : http://dongnai.vncgarden.com/su-kien-dhong-nai/su-ra-doi-cua-thuong-cang-cu-lao-pho-xua-o-bien-hoa