2022-Đình Tân Lân | Lệ Kỳ Yên – Album cúng ở Đình Tân Lân

Danh tướng Trần Thượng Xuyên

Trần Thượng Xuyên tự Trần Thắng Tài, sinh vào năm nào không rõ và mất khoảng năm 1720, người tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Ông nguyên là Tổng lãnh binh ba châu Cao – Lôi – Liêm.Năm 1649, vương triều Minh ở Trung Quốc sụp đổ. Năm 1679, sau khi phất cờ “bài Mãn phục Minh” thất bại, ông đem hơn 3.000 quân thân tín cùng gia quyến trên 50 thuyền đến Đại Việt xin thuần phục. Chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) chấp thuận cho vào khai khẩn xứ Đông Phố lúc này đang còn hoang sơ.

Sự kiện này được một số sử sách cho biết như sau: “Tháng 4 năm Kỷ Mùi (1679), quan Tổng binh thủy lục trấn thủ các xứ ở Long Môn thuộc Quảng Đông nước Đại Minh là Dương Ngạn Địch và phó tướng Hoàng Tấn, quan Tổng binh trấn thủ các châu Cao, Lôi, Liêm là Trần Thắng Tài, phó tướng Trần An Bình dẫn quân và gia nhân hơn 3.000 người với chiến thuyền hơn 50 chiếc xin được vào Kinh bằng hai cửa Tư Dung và Đà Nẵng (…) họ không thể thần phục nhà Minh nên chạy sang nước Nam nguyện được làm dân mọn (…) Triều đình mới tổ chức khao đãi ân cần, chuẩn y cho giữ nguyên chức hàm, phong cho quan tước rồi lệnh cho tới Nông Nại (Đồng Nai) làm ăn, gắng sức khai phá đất đai (…). Bọn tướng Long Môn họ Dươngđem binh thuyền tiến nhanh vào cửa Xoài Rạp và cửa Đại, cửa Tiểu dừng trú tại xứ Mỹ Tho. Bọn tướng các xứ Cao, Lôi, Liêm họ Trần thì đem binh thuyền vào cửa Cần Giờ Trần Thượng Xuyên theo cửa biển Cần Giờ rồi đồn trú tại xứ Bàn Lân thuộc Đồng Nai” (Trịnh Hoài Đức. Gia Định thành thông chí. Bản dịch của Lý Việt Dũng. NXB Tổng hợp Đồng Nai, 2005. tr.110)

Trần Thượng Xuyên đưa lực lượng của mình đến định cư tại vùng Nông Nại đại phố (địa phận Bàn Lân). Cùng nhóm lưu dân người Việt đến trước, ông và lực lượng trong đoàn tiến hành khai khẩn quy mô lớn. Mặt khác, ông chiêu tập thương nhân người Hoa kiến thiết phố xá, tạo lập các cơ sở thương mại. Với biệt tài tổ chức, chẳng bao lâu Trần Thượng Xuyên đã biến vùng đất hoang sơ thành thị tứ buôn bán sầm uất, kinh tế phát triển nhanh chóng. Nông Nại đại phố (còn gọi là Cù lao Phố) trở thành thương cảng phồn thịnh, là trung tâm thương mại và giao dịch quốc tế vào bậc nhất phương Nam lúc bấy giờ

Trần Thượng Xuyên là một trong những người có công lớn trong việc khai phá và xây dựng vùng đất Đồng Nai – Gia Định. Về hoạt động quân sự, Trần Thượng Xuyên là một dũng tướng thao lược được chúa Nguyễn tin dùng. Trần Thượng Xuyên cùng các tướng nhà Nguyễn đánh dẹp loạn Hoàng Tấn (Hoàng Tấn là phó tướng của Dương Ngạn Địch, làm phản, giết chủ tướng và dấy binh làm loạn). Trần Thượng Xuyên đã nhiều lần chỉ huy quân lính đánh quân Chân Lạp quấy phá, xâm nhiễu biên giới, giữ an bờ cõi, mở rộng biên cương nước Việt. Năm 1715, Trần Thượng Xuyên lại cùng với Nguyễn Cửu Phú đi đánh dẹp quân của Nặc Ông Thâm, hạ được thành La Bích.

Trần Thượng Xuyên mất ngày 23 tháng 10 âm lịch – khoảng năm Canh Tý (1720), an táng tại mạn bắc dinh Trấn Biên (nay thuộc xã Mỹ Lộc, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). Ông được người dân tôn kính thờ làm Thành hoàng tại đình Tân Lân. Ghi nhớ công lao của Trần Thượng xuyên, nhà Nguyễn ban phong nhiều danh hiệu cao quý “Trần vi tướng, đại đại công thần bất tiệt”, liệt vào bậc Thượng Đẳng thần.

Nguồn bài viết từ : http://dongnai.vncgarden.com/tu-lieu-ve-con-nguoi-dhong-nai/danh-tuong-tran-thuong-xuyen

By LocPT

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *