Những địa danh xưa của Đồng Nai

Chính thức trở thành địa danh hành chính từ năm 1698, Đồng Nai – với tên gọi là Trấn Biên, trong 320 năm hình thành và phát triển trải qua nhiều lần thay đổi địa giới cũng như địa danh hành chính, vẫn còn khá nhiều địa danh hành chính các cấp được lưu giữ đến ngày nay.

Trung tâm TP.Biên Hòa đầu thế kỷ 20

Ở TP.Biên Hòa hiện nay có một số địa danh hành chính như: phường Tân Phong, phường Tân Mai, phường Bửu Long, phường Tân Hòa, xã Tân Hạnh… ít ai biết rằng những địa danh này đã có từ hàng trăm năm nay. Bên cạnh đó, một số địa phương có tên gọi trùng lặp một cách thú vị.

* Bảo tồn và “lên đời”

Một trong số địa danh xuất hiện khá sớm và còn lưu giữ đến nay là Tân Hạnh. Thôn Tân Hạnh ra đời từ triều Gia Long (trị vì năm 1802-1820), thuộc tổng Chánh Mỹ, huyện Phước Chánh, phủ Phước Long. Hiện nay Tân Hạnh là đơn vị hành chính cấp xã, là một trong 6 đơn vị vừa được HĐND tỉnh thông qua nghị quyết nâng lên cấp phường. Tương tự, Bình Đa là tên một làng thành lập từ thời Minh Mạng (trị vì từ năm 1820-1841), thuộc tổng Phước Vĩnh Thượng, huyện Phước Chánh, ngày nay Bình Đa là tên của một phường của TP.Biên Hòa.

4 thôn, làng xưa khác của huyện Phước Chánh giờ còn giữ địa danh hành chính cấp phường gồm: Tân Hòa, Tân Mai, Bửu Long, Tân Phong. Trong đó, thôn Tân Hòa thuộc tổng Chánh Mỹ, thành lập từ thời Gia Long; thôn Tân Mai thuộc tổng Phước Vĩnh, thành lập từ thời Gia Long; thôn Tân Phong thuộc tổng Phước Vĩnh, cũng thành lập dưới triều Gia Long; còn làng Bửu Long ra đời từ việc sáp nhập 2 làng Bình Điện và Bạch Khôi (năm 1897), thuộc tổng Phước Vĩnh Trung. Về địa danh Bình Điện, ca dao ở Đồng Nai có câu “Ngó lên Bình Điện, thấy miệng em cười/ Tơ duyên muốn kết, sợ người đà có đôi”.

Không riêng TP.Biên Hòa, các địa phương khác trong tỉnh cũng còn giữ được tên gọi của thôn làng xưa. Như thôn Cam Đường thuộc tổng An Viễn, huyện Long Khánh, phủ Phước Tuy, thành lập dưới triều Thiệu Trị (trị vì năm 1841-1847), người dân còn gọi là Cẩm Đường. Hiện nay Đồng Nai có xã Cẩm Đường, thuộc huyện Long Thành. Thuộc địa giới hành chính của huyện Định Quán có thôn Gia Canh cũng được thành lập từ thời Thiệu Trị, ngày nay là xã Gia Canh.

Đặc biệt, một số địa danh cấp cơ sở (thôn, làng) xưa hiện nay “lên đời” thành địa danh cấp huyện. Dưới thời Minh Mạng thứ 5 (năm 1824), Định Quán là tên của một thủ người dân tộc thiểu số. Đến năm 1838 thủ Định Quán nhập với 2 thủ Bình Lợi và Phước Vĩnh, chia làm 4 tổng: Phước Thành, Bình Sơn, Bình Tuy, Bình Cách. Thôn Định Quán thuộc tổng Bình Tuy, huyện Phước Bình, phủ Phước Long. Đến năm 1957, quận Định Quán ra đời thuộc tỉnh Long Khánh. Ngày nay, Định Quán là địa danh hành chính cấp huyện, đồng thời có thị trấn Định Quán.

Tương tự, xã Cam Mỹ được thành lập từ đời Thiệu Trị (thuộc tổng Bình Lâm Thượng), người dân còn gọi là Cẩm Mỹ. Và tên gọi này đã được đặt cho địa danh hành chính cấp huyện thành lập năm 2003, đó là huyện Cẩm Mỹ ngày nay. Vĩnh Cửu dưới thời Thiệu Trị là tên của một thôn thuộc tổng Phước Vĩnh Thượng, huyện Phước Chánh; ngày nay Vĩnh Cửu là tên của một huyện.

* Trùng lặp thú vị

An Bình là tên một phường của TP.Biên Hòa, thành lập từ tháng 1-1976. Trong thực tế, tên gọi này xuất phát từ việc sáp nhập 2 thôn An Hảo và Bình Đa từ năm 1897, ghép tên lại thành làng Bình An, và khi thành lập phường thì trở thành An Bình. Thôn An Hảo được thành lập cùng lúc với Bình Đa, tên gọi An Hảo hiện nay không còn là địa danh hành chính nhưng được đặt cho cây cầu nối liền xã Hiệp Hòa với phường An Bình, ngoài ra còn có một tên gọi là bến đò An Hảo.

Đoạn đường trước Thành Biên Hòa đầu thế kỷ 20, nay là đường Phan Đình Phùng (phường Quang Vinh, TP.Biên Hòa)

Thế nhưng, An Bình còn là tên gọi của một thôn thuộc tổng Bình Cách, huyện Phước Bình, phủ Phước Long, thành lập dưới triều Minh Mạng. Thôn An Bình này hiện nay thuộc huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Phước. Cũng dưới triều Minh Mạng, tỉnh Biên Hòa còn có tổng An Bình (thuộc huyện Bình An, phủ Phước Long, nay thuộc quận Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh) thành lập năm 1837.

An Hòa cũng là một thôn thành lập khá sớm, từ triều Gia Long (thuộc tổng Long Vĩnh, huyện Long Thành, phủ Phước Long). Hiện nay An Hòa là xã thuộc TP.Biên Hòa. Dưới triều Minh Mạng cũng có thành lập một xã An Hòa, thuộc tổng Bình Chánh Tây, huyện Bình An, phủ Phước Long, nay thuộc khu vực TP.Thủ Dầu Một.

Tương tự, ngày nay ai cũng biết xã Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa) là tên gọi của Cù lao Phố trước đây. Đầu năm 1928, làng Hiệp Hòa ra đời trên cơ sở sáp nhập 3 làng cổ có từ thời Gia Long là: Nhứt Hòa, Nhị Hòa và Tam Hòa (thuộc tổng An Thủy, huyện Bình An, phủ Phước Long, nay là 3 ấp của xã Hiệp Hòa), và từ năm 1976 được đổi thành xã. Tuy nhiên, tỉnh Biên Hòa dưới thời Minh Mạng cũng có thôn Hiệp Hòa thuộc tổng Phước Hưng Hạ, huyện Phước An, phủ Phước Tuy. Thôn Hiệp Hòa này hiện thuộc huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Cũng như vậy, nhắc đến cái tên Long Bình, nhiều người sẽ nhớ đến Tổng kho Long Bình (trước năm 1975), Khu công nghiệp Long Bình và phường Long Bình đông dân nhất TP.Biên Hòa. Thực tế, tỉnh Biên Hòa có địa danh này từ khá sớm, đó là làng Long Bình thuộc tổng Long Vĩnh Thượng. Thế nhưng, thời Thiệu Trị tỉnh Biên Hòa cũng có thôn Long Bình thuộc tổng Bình Long, huyện Bình An, phủ Phước Long, ngày nay khu vực này thuộc địa bàn TP.Thủ Dầu Một.

Tỉnh Biên Hòa cũng có 2 địa danh Long Hưng: thôn Long Hưng thuộc tổng Thành Tuy, huyện Long Thành, phủ Phước Long, thành lập từ thời Gia Long, ngày nay là xã Long Hưng thuộc TP.Biên Hòa; một thôn Long Hưng khác thuộc tổng Phước Hưng, huyện Phước An, phủ Phước Long, cũng thành lập từ triều Gia Long, ngày nay nằm trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Tương tự, có một xã Long Tân nằm trên địa bàn huyện Nhơn Trạch ngày nay và một xã Long Tân nằm trên địa bàn huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Ngoài ra cũng có đến 2 địa danh Xuân Lộc. Đó là thôn Xuân Lộc thuộc tổng Thành Tuy Thượng, huyện Long Thành, phủ Phước Long, thành lập dưới triều Minh Mạng. Thôn này trải qua nhiều lần thay đổi, sáp nhập, nay thuộc khu vực thị trấn Gia Ray, huyện Xuân Lộc. Ngoài ra còn có làng Xuân Lộc thuộc tổng Phước Vĩnh Hạ, năm 1928 sáp nhập với làng Bình Lợi thành làng Bình Quới, nay thuộc tỉnh Bình Dương.

Ước mong nơi quê mới

Thời mở cõi, phần lớn lưu dân vào Đồng Nai là người nghèo, đánh liều tìm đến vùng đất mới với hy vọng đổi đời, có cuộc sống thịnh vượng, trù phú hơn. Mong mỏi ấy được thể hiện qua việc đặt tên thôn, làng nơi quê mới.

Buổi đầu, khá nhiều thôn, làng ở Đồng Nai được bắt đầu với từ “Long”, như: Long An (xã Long An ở huyện Long Thành), Long Bình, Long Tân, Long Điền, Long Đức, Long Phước, Long Giao, Long Hưng, Long Khánh, Long Thành, Long Thọ… Theo PGS-TS.Huỳnh Văn Tới, từ “long” ở đây không có nghĩa là “rồng” như nhiều người vẫn nghĩ, mà trong tiếng Hán có nghĩa là hưng thịnh.

Cũng với mong ước tương tự, nhiều địa danh đã được bắt đầu với từ “Phú”, nghĩa là giàu có như: Phú An, Phú Bình, Phú Cường, Phú Điền, Phú Hòa, Phú Hội, Phú Hưng, Phú Hữu, Phú Lạc, Phú Lập, Phú Lợi, Phú Mỹ, Phú Ngọc, Phú Thạnh…

Đồng Nai hiện có 2 địa danh Hố Nai, là phường Hố Nai (TP.Biên Hòa) và xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom).

Trong thực tế, đã từng có đến 4 địa danh Hố Nai. Đó là xã Hố Nai thuộc tổng Phước Vĩnh Thượng, quận Châu Thành (sau thuộc quận Đức Tu), thành lập năm 1956. Đến năm 1976 tách thành 2 xã: Hố Nai 1 (nay là phường Hố Nai); Hố Nai 2 (ngày nay là 2 phường Tân Hòa, Tân Biên của TP.Biên Hòa).

Còn xã Hố Nai 3 cũng thành lập từ năm 1976 trên cơ sở tách ra từ xã Hố Nai và nhập thêm ấp Quảng Biên (lúc đó thuộc xã Trảng Bom 1). Ngoài ra còn có xã Hố Nai 4 (thuộc huyện Thống Nhất cũ), đến năm 1994 nhập thêm một phần ấp Quảng Biên để thành lập thị trấn Trảng Bom (huyện Trảng Bom).

Hà Lam ( http://www.baodongnai.com.vn/phongsukysu/201809/nhung-dia-danh-xua-cua-dong-nai-2913155/index.htm )

…………………………………….

Phường Tân Mai được thành lập năm 1976. Tổng diện tích của phường là 136,8 héc ta. Dân số có 20.101 người với 07 dân tộc cộng cư. Dân tộc Kinh chiếm số lượng đông đảo (20.005 người), và một số dân tộc khác có số lượng không nhiều (96 người). Phần lớn, người dân của phường theo đạo Thiên Chúa (chiếm 81%), Phật giáo và các tôn giáo khác (4%), còn lại là lương giáo.

Vị trí của phường Tân Mai được xác định: Phía Đông giáp phường Tân Hiệp, phường Tam Hiệp, phía Tây giáp phường Thống Nhất, phía Bắc phường Tân Tiến, phía Nam giáp xã Hiệp Hoà (giới hạn bởi sông Đồng Nai). Toàn phường chia làm 06 khu phố với tên gọi theo thứ tự từ 01 đến 06.

          Địa bàn phường Tân Mai nguyên thuộc thôn Tân Mai tổng Phước Vinh, huyện Phước Chánh, phủ Phước Long vào đầu thế kỷ XIX. Lúc bấy giờ, tổng Phước Vinh có 46 thôn. Tư liệu Địa bạ Nam Kỳ (năm 1836) đời vua Minh Mạng cho biết, địa bàn phường Tân Mai thuộc thôn Tân Mai, tổng Phước Vinh Thượng, tỉnh Biên Hoà. Như vậy, tổng Phước Vinh trước đây được chia thành ba tổng cùng tên nhưng phân biệt bởi tên gọi gắn thêm chữ Thượng, Trung, Hạ do cách phân chia để phân biệt và quản lý. Từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thập niên 20 (thế kỷ XX), Tân Mai là một trong những làng của tổng Phước Vĩnh Thượng, tỉnh Biên Hoà. Tiếp theo, làng Tân Mai hiệp với các làng Vĩnh Cửu, Bình Đa thành làng Tam Hiệp và là một phần của xã Bùi Tiếng (1957) quận Châu Thành, sau thuộc quận Đức Tu (năm 1963), tỉnh Biên Hoà.

Về phía chính quyền cách mạng, địa bàn phường Tân Mai từ năm 1946 thuộc Quận quân sự 6 (sau đổi thành Ban công tác liên thôn). Sau năm 1975, một phần diện tích của làng Tân Mai được chia tách để thành lập phường Thống Nhất

Trên địa bàn phường Tân Mai có một số cơ sở tín ngưỡng tôn giáo tiêu biêu như: Miếu Bà Cây Cám, chùa Long Quang, nhà thờ Tân Mai…..Hệ thống trường học của Tân Mai gồm có: Mầm non Tân Mai, Tiểu học Tân Mai, Trung học cơ sở Lê Lợi, Trung học dân lập Lê Quý Đôn.

Đặc điểm kinh tế chính của phường Tân Mai trước đây là sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Hiện nay, cơ cấu kinh tế phát triển theo hướng  thương mại – dịch vụ – sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Hiện nay, nhiều hộ dân Tân Mai tận dụng sông Đồng Nai chạy qua địa bàn để nuôi cá bè, hình thành nên làng cá bè có tiếng trong thành phố Biên Hoà.

Nguồn : http://dongnai.vncgarden.com/dhia-ly—dia-danh-dhong-nai/phuong-tan-mai

…………………………………….

Vài nét về tỉnh Biên Hòa từ năm 1868 đến năm 1945 : Năm 1899, chính quyền thuộc địa Pháp có sự thay đổi lớn về sắp xếp các đơn vị hành chánh. Ngày 1 tháng 11, Pháp lập sở Tham Biện Đồng Nai Thượng (Haut Donnai). 

Một phần đất vùng Định Quán của Biên Hoà bị cắt nhập vào Đồng Nai Thượng Ngày 20 tháng 12 năm 1899, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định đổi các địa hạt Tham biện ở Nam Kỳ thành tỉnh. 

Tỉnh Biên Hòa thành lập trên cơ sở địa hạt Biên Hòa. 

Năm 1901, tỉnh lỵ Biên Hòa đặt tại xã Bình Trước (tức thành phố Biên Hòa ngày nay), gồm 15 tổng, 151 làng. Một số tư liệu cho biết thêm: “Toàn tỉnh có diện tích trồng lúa là 26.373 ha; hệ thống đường bộ có chiều dài 399,2 km (quốc lộ 52,1 km, tỉnh lộ 100,3 km, hương lộ 264,8 km, đường cán đá 156,7 km, đường đất 242,5 km); tổng chiều dài các cầu là 1.832 m. Có 98 địa điểm khai thác đá xanh, 150 điểm khai thác đá ong, 17 lò gạch, 21 lò rèn, 80 trại cưa gỗ, 4 trại đóng ghe, 9 khu rừng cấm”. 

Năm 1903, Tòan quyền Đông Dương thành lập quận Chứa Chan gồm 4 tổng người dân tộc thiểu số ở tỉnh Biên Hòa. 

Năm 1912, quận Xuân Lộc được thành lập, gồm 3 tổng: Bình Lâm Thượng, Phước Thành, An Viễn. 

Năm 1924, tỉnh Biên Hòa có 17 tổng, 172 làng. Mạng lưới giao thông đường sá dài 713,5 km (trong đó quốc lộ chiếm 151,6 km, tỉnh lộ 287,8 km, hương lộ 278,1 km, đường rải nhựa 161,8 km, đường cán đá 405,7 km, đường đất 146 km). Tổng chiều dài các cầu là 3.541 m (cầu sắt 931m, cầu gỗ 2.610 m ). 

Năm 1925, quận Chứa Chan bị bãi bỏ, thành lập hai quận Phú Riềng và Võ Đắc ở tỉnh Biên Hòa. 

Năm 1927, quận lỵ Phú Riềng chuyển về Bù Khoai và đổi tên là quận Sông Bé, quận lỵ Võ Đắc chuyển về Xuân Lộc và đổi tên là quận Xuân Lộc; lập quận Đồng Nai, lỵ sở đặt tại Thanh Sơn. Tỉnh trưởng Biên Hòa là Pierre Marty. 

Năm 1928, thành lập quận Châu Thành ở tỉnh lỵ Bình Trước và quận Tân Uyên với trị sở tại chợ Tân Uyên. 

Năm 1936, tỉnh Biên Hòa có diện tích là 11.044 km2 . 

Năm 1939, tỉnh Biên Hòa có 5 quận với 16 tổng, 119 xã; gồm: quận Châu Thành (3 tổng: Chánh Mỹ Thượng, Phước Vinh Trung, Phước Vinh Thượng); quận Long Thành (3 tổng: Long Vĩnh Thượng, Thành Tuy Thượng, Thành Tuy Hạ); quận Xuân Lộc (4 tổng: Bình Lâm Thượng, An Viễn, Tập Phước, Phước Thành); quận Tân Uyên (3 tổng Phứơc Vinh Hạ, Chánh Mỹ Trung, Chánh Mỹ Ha ) và quận núi Bà Rá (4 tổng: Bình Cách, Thuận Lợi, Tân Thuận, Bình Tuy). 

Diện tích Biên Hòa là 11.234 km2, trong đó diện tích trồng lúa là 44.200 ha. Dân số có 166.000 người với mật độ trung bình 14 người trên 1 km2. 


Năm 1943, dân số tỉnh Biên Hòa là 183.000 người, trong đó người Việt 139.000 người, người Hoa 3.000 người, người Pháp 580 người, các dân tộc thiểu số chiếm 40.000 người.

Nguồn : https://sites.google.com/a/vncgarden.com/dongnai/dhia-ly—dia-danh-dhong-nai/vai-net-ve-tinh-bienhoa-tu-nam-1868-den-nam-1945

Các chia tách vĩ mô từ 1864 – 1899

Năm 1864, đô đốc Lagrandière (Lagranđie) chia 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ thành 7 tiểu khu chỉ huy (cercles de commandement), trong đó tỉnh Biên Hòa chia thành 2 tiểu khu: Biên Hòa và Bà Rịa (5 tiểu khu chỉ huy khác là: Sài Gòn – Chợ Lớn, Cần Giuộc, Mỹ Tho, Tân An – Gò Công, Tây Ninh).Việc phân chia lãnh thổ này chủ yếu phục vụ ý đồ quân sự, các nhà cai trị đều là sĩ quan: đại tá Doménech Diégo, thiếu tá Loubère, thiếu úy Charlier, đại úy Garrido, thiếu tá Philastre (từ 22 – 12 – 1861 đến tháng 5 – 1868). 

Năm 1865, để cho sự cai trị mang tính chất dân sự, Pháp chia 3 tỉnh miền Đông thành 13 sở tham biện (inspections: sở thanh tra). Tỉnh Biên Hòa có 5 sở tham biện: Biên Hòa, Bà Rịa, Thủ Dầu Một, Long Thành, Bảo Chánh. (Ở đây có điều đáng lưu ý về cách đặt địa danh; bên cạnh các địa danh Hán – Việt: Biên Hòa, Long Thành, Bảo Chánh, có hai địa danh nôm: Thủ Dầu Một và Bà Rịa cho đơn vị tương đương cấp tỉnh. Sở dĩ nhà cầm quyền Pháp có sự tùy tiện đặt địa danh như trên vì các sĩ phu yêu nước buổi đầu sôi nổi tham gia kháng chiến, chí ít cũng bất hợp tác với giặc tuy chúng dụ dỗ hứa hẹn rất nhiều. Chúng phải lượm lặt một số thất học làm tổng lí. Đại tá Bernard nhận xét: “Bị xua đuổi ra khỏi làng xóm vì đói kém hay tội lỗi, bọn du thủ du thực kéo nhau ra thành phố, khúm núm, quị lụy van xin để tìm cách sinh sống. Chính trong bọn này mà ta tuyển lựa số nhân viên cần thiết cho việc hành chính hay trong việc hầu hạ như bồi bếp, cu li, thông ngôn, kí lục sau khi cho học cấp tốc và qua loa ở trường dòng…” ([1][9]). Nhà cầm quyền Pháp không hiểu địa phương, lại dựa vào số này nên xảy ra tình trạng trên. 

Tháng 6 – 1866, tỉnh Biên Hòa được chia làm 6 địa hạt (arrondissement: quận): Biên Hòa, Bà Rịa, Long Thành, Thủ Đức, Bình An, Bảo Chánh. 

Năm 1867, tỉnh Biên Hòa có 5 sở tham biện: – Biên Hòa, tỉnh lỵ ở châu thành Biên Hòa, huyện Phước Chánh, có 6 tổng, 100 xã thôn. – Bà Rịa, tỉnh lỵ ở châu thành Bà Rịa, huyện Phước An, có 4 tổng Việt Nam, 3 tổng Thượng, 57 xã thôn. – Long Thành lỵ sở ở làng Long Thành, huyện Long Thành, có 5 tổng Việt Nam, 5 tổng Thượng, 105 xã thôn. – Bình An, tỉnh lỵ ở châu thành Thủ Dầu Một, huyện Bình An, có 7 tổng, 71 xã thôn. – Nghĩa An, lỵ sở ở Thủ Đức, huyện Nghĩa An, có 4 tổng, 35 xã thôn (nhập về Sài Gòn theo Nghị định 29 – 10 – 1868). 

Năm 1887, cả Nam kỳ có 22 sở tham biện, từ Bà Rịa tách ra thêm sở tham biện Cap Saint Jacques (Vũng Tàu, còn gọi là Ô Cấp) 

Ngày 1 – 11 – 1899, Pháp lập sở tham biện Đồng Nai Thượng (Haut Donnai) gồm nửa huyện Định Quán, cả huyện Tân Phú (Đồng Nai) bây giờ và tỉnh Lâm Đồng hiện nay, tỉnh lỵ đặt tại Djiring (Di Linh) (Năm 1901, tỉnh này bị bãi bỏ, nhập vào tỉnh Bình Thuận. Năm 1920, tỉnh Đồng Nai Thượng được lập lại). 

Ngày 20 – 12 – 1899 nhà cầm quyền Pháp ra nghị định đổi tên sở tham biện (inspections) thành tỉnh (provinces), chức vụ chánh tham biện (inspecteur) thành quan cai trị chủ tỉnh (administrateur chef de province).

 Theo sách Biên Hòa sử lược ([2][10]) thì tỉnh Biên Hòa năm 1878 có 17 tổng, 158 làng như sau: IV.5.1. 

Tổng Phước Vinh Thượng có 9 làng xã: – Bình An gồm 2 ấp: Bình Đa, An Hảo. – Bình Thành gồm 2 ấp: Bình Hòa, Thành Long – Bình Trước có 8 ấp: Tân Lân, Lân Thành, Lân Thị, Phước Lư, Vinh Thạnh, Bàu Hang, Đồng Lách, Sông Mây. – Nhị Hòa có 3 ấp: Bình Kính, Tân Mỹ, Thành Hưng (Tân Hưng + Thành Đức) – Tam Hòa có 4 ấp: Bình Hòa, Bình Quan, Hòa Quới, Long Quới – Nhứt Hòa có 4 ấp: Bình Tự, Bình Xương, Tân Giám, Hưng Phú. – Tân Lại – Vĩnh Cửu IV.5.2. 

Tổng Phước Vinh Trung có 8 làng: – Bình Thạch (xứ Thạch Bàn Khê) – Bình Ý (xứ Sa Chử) – Bửu Long (Long Ẩn) có 2 ấp: Bình Điện, Bạch Khôi – Tân Phong (xứ Đồng Tràm) – Tân Triều Đông (xứ Cù Lao) có 3 ấp: Long Hòa, Tân Xuân, Tân Vinh – Tân Triều Tây (xứ Cù Lao) có 3 ấp; Cẩm Vinh, Tân Đức, Tân Thành – Thạnh Phước (xứ Sông Hến) có 4 ấp: Bình Hậu, Bình Mỹ, Tân Thạch, Hàm Hòa. – Thới Sơn (xứ Đàm Ngư Hòa Quới) có 2 ấp: Bình Thới, Bình Sơn IV.5.3. 

Tổng Phước Vinh Hạ có 12 làng: – Bình Lợi (Châu Sa) có 2 ấp: Chợ, Thạnh Hòa (bàu Tre) – Bình Ninh có 3 ấp: Nhất, Nhì (gò Cầy), Ba – Bình Phú có 2 ấp: Bình Lục, Long Phú – Bình Thạnh có 3 ấp: Bình An (Cây Đào), Thạnh Hòa (Cây Quéo), Thạnh Phú. – Bình Thảo có 2 ấp: Bình Định (chợ Bến Cá), Bình An (xóm Búng) – Đại An có 3 ấp: Thanh An (Bến Nôm), Bình An Chánh, Trị An (Bến Vịnh) và 6 xóm: Cây Gáo, Bàu Sao, Bàu Sình, Đồng Lớn, Vũng Rễ, Trại Giữa. – Long Lộc có 2 ấp: Long Chánh, Đa Lộc. – Tân Định có 1 ấp: Cầu Xoay và 2 xóm: Cháy, Đồn. – Tân Hiền có 2 ấp: Tân Khai, Hiền Quan – Tân Phú có 2 ấp: Tân Huệ, Phú Trạch (hóc Kè) – Xuân Hòa (Bình Thanh) – Thiện Quan có 5 ấp: Thiện Hòa, Lân Thành, Thạnh Hòa, Thới Hòa, Đồng Lách. IV.5.4. 

Tổng Thành Tuy Thượng có 15 làng: – An Lâm (xóm Bưng Môn) – Long Thuận (xóm Trầu) có 1 ấp gò Ông Cua (xóm Gò) – Mĩ Khoan có 1 xóm Chùa Ông – Phước Kiển (chợ Dường) có 2 xóm: Trên, Dưới. – Phước Lộc có 6 ấp: Phước Hòa (Trường Dầu), Phước An (Đồng Môn), Phước Hưng (Quan Tre), Phước Vinh (xóm Bứng), Phước Thạnh (trảng Mè), Phước Phong (gò Me). – Phước Lai (chợ Dỏ) có 1 ấp Phước Hưng (xóm Chùa) – Phước Long (chợ Mới) có ấp Ông Thiện (Ba Ren) – Phước Nguyên (xóm Đậu) có 1 ấp Thanh Nguyên (Nước Trong) – Phước Thái có 3 ấp: Khánh Lâm (bàu Vừng), Cầu Ngan (xóm Chùa), Gò Dầu (Nước Lộn) – Phước Thiền có 5 ấp: Phước Thuận (bến Cam), Phước Hòa (bến Sắn) Phước Tân (xóm Trầu), Phước Lợi (chợ Quán), Long Điền (Đồng Điền) – Phước Thọ có 4 xóm: Đồng Lớn, Bàu Nâu, Lão Hợi, Suối Cang. – Tam Thiện có 2 ấp: Thiện Bình (bàu Vuông), Thiện An (Đường Tượng). – Tập Phước (Phước Hòa) có 1 ấp Khánh Lâm (bưng Lớn), 1 xóm Bàu Cỏ. – Tuy Long có 2 ấp: Phú Lạc (xóm Cá), Cai Vang (Cây Thẻ) và 2 xóm: Cầu Hào, Bà Lộc. – Bertin de la Souchère (Bectanh đờ la Xuser) còn gọi là sở Tân Lộc IV.5.5. 

Tổng Thành Tuy Hạ có 11 làng: – An Phú – Long Hiệu (bến Lẫm) có 1 ấp Long Hòa (vàm Đồng Môn) và 1 xóm Hàng – Lương Thiện (rạch Ông Mai) có 4 ấp: Thành Hòa (rạch Ca), Rạch Bãi, Rạch Miểu, Rạch Miểu Sành – Mĩ Hội (hòn Một) có 1 ấp Mĩ Thành (Gian Lò) và 1 xóm Bàu Cá – Phú Mĩ (bến Cam) – Phước An (rạch Cóc) có 6 ấp: Bàu Bông (Hang Nai), An Cẩm, Bình Quới, Quới Thạnh, Ba Doi, Tân Lập (Bà Hào) – Phước Khánh (rạch Ông Thuộc) có 5 ấp: Đông Thạnh (Đá hàng), Phước Xuân Trung, Phước Thạnh (rạch Chà Là Lớn), Phước Hòa (rạch Chà Là Bé), Tây Khánh (ngã ba Đồng Tranh) – Phước Lương (Cảnh Dương) có 3 ấp: Rạch Cá, Rạch Ông Đông, Rạch Ông Chuốc (bến đò Cát Lái) – Phước Lí (Ông Kèo) có 4 ấp: Rạch Giồng, Suối Ngang (Xoài Minh), Bến Đình, Phước Thành (rạch Vọp) – Phước Thạnh (Suối Nước) có 4 ấp: Rạch Giồng, Bến Cộ, Bàu Sen, cù lao Ông Còn. – Tân Tường (rạch Chại) có 2 ấp: Vĩnh Tuy, Bình Phú và có 2 xóm: Bà Vách, Rạch Kè. IV.5.6. Tổng Long Vĩnh Thượng có 9 làng: – An Hòa (Bến Gỗ) – An Lợi – Long Bình có 2 ấp: Long Điềm, Bình Dương – Long Hưng có 3 ấp: Phước Hội, An Xuân, Tân Xuân – Phước Tân có 2 ấp: Phước Cang, Vĩnh Hòa – Tam Phước có 4 ấp: Long Khánh, Phước Mĩ, Phước Hưng, An Phước – Tam An có 2 ấp: An Hưng, An Định – Thiết Tượng – Trường Thọ có 2 ấp: Long Trường, Vĩnh Thọ IV.5.7 Tổng Chánh Mĩ Thượng có 8 làng: – Bình Long – Tân Bản (Tân Bản hợp với Tân Phú) – Mĩ Khánh – Bình Trị (Bình Thái hợp với Hữu Lân) – Tân Hạnh – Tân Phước Đông – Tân Triều – Tân Vạn (Tân Vạn hợp với Đắc Phước) IV.5.8. 

Tổng Chánh Mĩ Trung có 19 làng: – An Chử (cù lao Tân Chánh) có 2 xóm: ấp Nhất, ấp Nhì – Bình Chử ( cù lao Tân Chánh) có 2 xóm: Cầu Mương, Bến Đò – Bình Hưng (cù lao Tân Chánh) có 2 xóm: Bến Đò, Chùa – Điều Hòa (cù lao Tân Chánh) có 2 xóm: Sông, Gò – Tân Trạch (cù lao Tân Chánh) có 2 xóm: Sông, gò Ông Hành – Bình Hóa có 3 ấp: Ấp Nhất có 3 xóm: Lãng, cầu Rạch Tre, trảng Ông Tồn Ấp Nhì có 5 xóm: Đồng, Bưng, Hố Trào, Ông Phò, Miểu Ông Ấp Ba có 2 xóm: Ông Lình, suối Trại Dền – Bình Chánh Đông có 4 xóm: Sông, rạch Cát, Ông Tâm, suối Ông Đông – Tân Hội (cù lao) có 2 xóm: Miểu, Cây Dầu – Nhựt Thạnh (cù lao Rùa) có 2 ấp: Nhất, Nhì – Phước Hải Đông có 2 ấp: Nhất, Nhì – Tân Ba (Đồng Váng) có 3 ấp: Nhất, Nhì, Ba – Tân Lương (xứ Tầm Bồng) có 3 ấp: Cồn Đá Lửa, Cây Me, Lương Phước – Tân Mĩ (đồng Bà Nghè) có 2 ấp: Truông Cây Khế, chợ Đậu – Vĩnh Phước – Tân Uyên (xứ Thủ Đường) có 4 xóm: Đồn, Dầu, Bàu, chợ Đậu – Dư Khánh có 4 ấp: Dều Gà, Cây Da, Gò, Bộng Dầu – Hiệp Hưng có 2 xóm: chợ Mới, Vườn Thơm – Thiện Khánh (Cầu Dài) có 2 xóm: Bưng, Mới – Tân Long (cù lao Tân Chánh) có hai xóm: Miểu, Chùa IV.5.9. 

Tổng Chánh Mĩ Hạ có 15 làng: – An Linh có 4 ấp: xóm Trường, Đá Trắng, Cả Sặc, Hố Đả – Bình Cơ có 3 ấp: Bàu Sao, Bưng Cóc, xóm Chòi Dúng – Chánh Hòa có 5 ấp: suối Ông Thủ, Nước Trong, Suối Con, Suối Ngang, Mã Hộc, 1 ấp Bến Trám. – Chánh Hưng có 6 xóm: miễu Quan Lớn, Bến Cát, Thuộc Nghĩa, Cây Chanh, Bà Phụng, xóm Bè. – Lạc An có 3 ấp: Bến Đò, Bến Hàng, Bến Vỏ và 1 xóm Cây Dâu – Mĩ Lộc có 3 ấp: Rốc, Lớn, xóm Sông – Mĩ Đức có 2 ấp: Đồng Sặc, Bàu Gốc và 1 xóm: suối Bà Phó – Phước Vĩnh có 5 xóm: Bố Mua Vàm Giá, Cựa Gà Hố Sao, Bưng Lớn Bưng Riềng, Bờ Ao Suối Cang, Trảng Sắn. – Phước Hòa có 4 ấp: Bàu Cỏ, Đá Trắng, Bùng Binh, Suối Lùng và 5 xóm: Đông Chinh, Bố Lá, Cần Đôm, suối Cái, rạch Ngan. – Tân Hòa có 4 xóm: Thày Tổng Cựu, Thày Phó, Đất Cuốc, Miểu Lớn – Phước Sang có 2 ấp: sông Sang, xóm Triết – Tân Tịch có 2 ấp: chợ Cây Da, xóm Chồi và 1 xóm Vườn – Tân Nhuận có 4 xóm: Đường Đắp, Sinh Trên, Thày Tổng Tân, Thày Phó Cựu – Thạnh Hòa có 3 xóm: Cây Khô, Vàm Giá, Đui Chuộc – Thường Lang có 3 ấp: Đức Quan, Tân Quan, Tân Thạnh IV.5.10. 

Tổng Bình Lâm Thượng có 8 làng: – An Lộc có 1 xóm Đất Mới – Bình Lộc – Gia Ray có 1 ấp Bảo Chánh – Hưng Lộc – Phú Lộc có 2 xóm: suối Lội, Bưng Cơ – Tân Lập – Tân Phong có 1 ấp Phong Lộc – Xuân Lộc. IV.5.11. Tổng An Viễn có 6 làng: – Cam Đường (Bàu Lùng) có 1 ấp Cam Đường – Cam Mĩ (Gia Tao) có 3 ấp: Gia Trầu, Hôn, Ruộng Chim – Cam Ngôn (Ca Vân) có 1 ấp Cam Ngôn – Cam Tim (Bambrơ) có 4 ấp: Gông Lao, Dầu Mè, Rau Râm, Suối Lức – La Minh (Bo Ngôt) có 1 ấp La Minh – Thoại Hương (Gian) có 2 ấp: Đất Nước, Đất Đỏ. IV.5.12. 

Tổng Phước Thành có 10 làng: – Bao Hàm có 1 ấp Đồng – Đông Thành có 1 ấp Đông Thành – Gia An có 2 ấp: Biển Lạc, Bàu Sâu – Gia Cấp có 2 ấp: Tung, Gia Lão – Thọ Vực (Viero) có 3 ấp: La Hoa, suối Rết, suối Gia Huynh – Trà Tân có 3 ấp: Gia Ló, Vo Giữa, Cam Rơ – Võ Đắc có 3 ấp: Cổ Lăng, Rơ Tên, Cả Don – Võ Định có 1 ấp Võ Định – Võ Dõng (Bu Dor) có 3 ấp: Gia Kiêm, Cà Vàng, Đồng Xoài – Võ Quan có 3 ấp: Túc Trưng, Bà Giá, Gia Rong IV.5.13. Tổng Bình Tuy có 7 làng: – Cao Cang (Xarai) có 1 ấp Cao Cang – Định Quan (Bò Xu) có 2 ấp: Đồng Lí, Chòm Rẫy – Gia Canh (Bành Bát) có 2 ấp: Đồng Bác, Đá Hủ – Lí Tịch có 1 ấp Cà Nhên (sau này gọi thành Lí Lịch) – Thuận Tùng (Bdop) có 2 ấp: Bùng Bung, Bà Rập – Túc Trưng (Brou) có 1 ấp Túc Trưng – Vinh An (Chéral) có 1 ấp Vinh An (sau này gọi là Vĩnh An) IV.5.14. 

Tổng Tập Phước có 7 làng: – Bảo Chánh (Chà Hoan) có 4 ấp: Bàu Tra, Lát Chiếu, Ruộng Tri, Ruộng Lớn. – Bảo Liệt (Brêt) có 2 ấp: Ruộng Mai, Tram Đồng – Bảo Định (Uêt) có 2 xóm: Hố, Đất Đỏ – Bảo Mĩ (Viêm Cung) có 1 ấp Bằng Lăng Chẹt – Lang Tài (Từ Chu) có 1 ấp Suối Tre – Thới Giao (Từ Chao) có 1 ấp Hố Thiện – Tích Thiện (Boubla) có 3 ấp: Suối Bí, Gia Dục, Bàu Dục IV.5.15. 

Tổng Bình Cách có 7 làng: – An Bình có 3 ấp: Cà Na, Tà Cộc, Phồm Me – Thành Công có 3 ấp: Suối Mía, Cuôn, Tà Inh – Cam Số có 2 ấp: Bàu Tra, Phồm Cốc – An Trang có 4 ấp: Dàm Sai, Cầu Cày, Rau Răm, Bà Hào – Chơn Thành – Thanh Sơn – Diêm Quang IV.5.16. Tổng Thuận Lợi có 5 làng: – Bình Trị có 4 ấp: Tà Mòn, Tà Bái, Tà Băn, Tạt Nàng Bua – Thành Xuân có 3 ấp: Vát Tru, Vát Rú, Phú Tron – Bình Kiều có 3 ấp: Phú Cô, Phú Riêng, Tầm Lay – An Thổ có 3 ấp: Chung Lâm, Phú Tron, Phú Xậu – An Lộc có 4 ấp: Tà Cố, Phú Đọt, Phú Trích, Phú Mang IV.5.17. 

Tổng Tân Thuận có 3 làng: – Phú Cát – Phú Tết – Tạt Rạch Bản kê cứu của Lương Văn Lựu khá tỉ mỉ, giúp cho người đời sau có thể xác định đúng vị trí các làng, xã xưa. 

Nhưng đối chiếu với ba nguồn: bản đồ Boilloux 1881, lịch An Nam thông dụng 1897 và Monographie de la province de Bien Hoa 1901 thì: – Sau năm 1881 mới có các tổng An Viễn, Phước Thành, Bình Cách, Tập Phước. – Sau năm 1897 có thêm tổng Thuận Lợi. – Sau năm 1901 có thêm hai tổng Bình Tuy, Tân Thuận. – Quận núi Chứa Chan lập đầu thế kỉ 20 sau đổi ra quận Võ Đắc… 

Ngay trong sách Monographie de la province de Bien Hoa 1924 cũng không thấy ghi quận nào. Bảo tàng Đồng Nai được ông Lê Văn Nhựng cung cấp một văn bản của tòa bố Biên Hòa đề ngày 17 Septembre 1923 ghi đầy đủ các tổng, làng, ấp, xóm như Lương Văn Lựu đã viết trong Biên Hòa sử lược và có ghi tên chữ nôm ở dưới. Theo Vương Hồng Sển (trong Tự vị tiếng Việt miền Nam, 1993), Võ Sa, Võ Đắc, Võ Dõng… có thể là Dỏ Sa, Dỏ Đắc,Dỏ Dõng… trong đó dỏ nghĩa là điếm canh. Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của cũng định nghĩa: dỏ: xích hậu, trại thủ, trại sách trong mỗi một làng. 

Từ khi Pháp cai trị tới năm 1945, các làng xã nhiều phen nhập, tách. Tổng Phước Vinh từ lúc bắt đầu thành lập (theo sách Gia Định Thành thông chí tới Địa bạ 1836 mới chia ra 3 tổng: Phước Vinh Thượng, Phước Vinh Hạ. Đặt tên Phước Vinh, cha ông ta mong muốn con cháu gặp nhiều may mắn (Phước), có danh tiếng (Vinh). Địa danh Phước Vinh đổi thành Phước Vĩnh thời thuộc Pháp. Phước Vĩnh có nghĩa là gặp may mắn mãi mãi (dẫu sao cũng đỡ hơn địa danh Chí Hòa sau đổi ra Kỳ Hòa lạ lẫm hay ngày nay địa danh Thành Tuy Hạ tùy tiện đổi là A Tuy Hạ, B Tuy Hạ trên nhiều văn bản, sách báo trong ngoài tỉnh).

Năm 1881, tỉnh Biên Hòa có 9 tổng, 126 làng (bản đồ Boilloux). 

Năm 1897, tỉnh Biên Hòa có 14 tổng, 168 làng (lịch An Nam thông dụng). 

Năm 1901, tỉnh Biên Hòa có 14 tổng, 151 làng (Monographie de la province BiênHoa). Năm 1924, tỉnh Biên Hòa có 17 tổng, 172 làng (Monographie de la province Biên Hoa). 

Năm 1939 tỉnh Biên Hòa có 5 quận, 16 tổng, 119 xã (nhiều xã do vài ba làng hợp lại khoảng trước năm 1930) (Thời sự cẩm nang 1939). Như vậy chúng ta có thể thấy kinh tế tỉnh Biên Hòa – cũng như các tỉnh khác ở Nam kì – phát triển rất sôi động qua việc mở thêm nhiều làng, nhiều tổng mới – xưa kia vốn chỉ có rừng hoang bao phủ. 


http://dongnai.vncgarden.com/dhia-chi-dhong-nai/tap-2-dhia-ly/chuong-7-dhia-ly-lich-su/4-thoi-ky-1861—1945 ……

By LocPT

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *