CHUYẾN XE CUỘC ĐỜI.

Chỉ còn mấy ngày nữa là Tết rồi, người tổ chức hối thúc hắn từ tuần trước, khi ông ta lên Sài Gòn mua vài món đồ để chuẩn bị cho chuyến vượt biên trong những ngày đầu năm.

30 Tết mà khởi hành thì sẽ chắc ăn như bắp, theo lời ông ấy nói. Nhưng đối với hắn, không có một cái gì gọi là tuyệt đối cả. Lần này vừa tròn chuyến thứ 6 rồi, những lần trước, đôi khi bị gạt, đôi khi đang lòng vòng quanh bãi thì phải chạy thục mạng vì bị công an hay dân phòng phát hiện. Gia tài của cả gia đình lần lượt hao mòn vì tương lai của hắn, càng nghĩ càng đau xót và thương cha mẹ vô cùng!

Buổi trưa 28 Tết, vai đeo ba lô, đầu đội cái nón tai bèo, trang phục bằng bộ đồ công nhân, hắn giống như một chàng thanh niên xung phong đang trên đường về quê ăn Tết.

Anh Hai bịn rịn châm điếu thuốc đưa cho hắn rồi ân cần dặn:

-Hy vọng lần này thành công, cố gắng gìn giữ sức khoẻ. Em đi trước, bình an rồi sẽ đến phần anh. Cả nhà đợi tin từ em.

Một cái siết tay thật chặt, hắn vội quăng điếu thuốc khi thấy chiếc xe đò từ từ tấp vô lề đón khách.

Xe vừa trong bến ra nên vẫn còn chỗ trống, anh lơ chỉ chỗ cạnh một người con gái. Cô nàng khá xinh đẹp, trông thật thuỳ mị, nhẹ nhàng trong chiếc áo dài trắng, ôm gọn một chiếc cặp học sinh đang chăm chú đọc sách. Nếu như thường ngày thì hắn sẽ bắt chuyện làm quen ngay, nhưng hôm nay ruột rối trăm bề, cái dư âm mới chia tay gia đình vẫn chưa tan biến, mẹ của hắn khóc từ sáng sớm, lâu lâu đưa tay bóp nắn khuôn mặt hắn rồi ôm hun chùm chụp. Cho đến khi ngồi phía sau anh Hai để ra xa lộ Hàng Xanh đón xe về Vũng Tàu, hắn thấy mẹ đang sụt sùi khóc.

Cô gái bên cạnh vẫn nhìn vào quyển sách,hắn liếc mắt nhiều lần mà thấy cô ta tỉnh bơ nhưng trên môi nở một nụ cười mỉm. Chiếc xe đôi lúc qua những khúc quanh, sự va chạm đầu tiên làm cho cô xếp quyển sách lại và nhìn hắn.

Hắn cười nói :

– Xin lỗi cô, tôi không cố ý.

Nàng thoáng chút e lệ ngập ngừng:

– Dạ, tui biết.

Xe chạy qua ngã ba Tân Vạn và rẻ về hướng Vũng Tàu, hắn bất chợt rung động khi một làn gió thổi mạnh qua, hất mái tóc đen dài lên cao, một cái cổ trắng nõn nà đập vào đôi mắt của hắn.

Hắn ngượng ngùng mở lời để xua đuổi cái ý tưởng đen tối đang nhen nhóm trong đầu:

– Cô về nhà ở Vũng Tàu ăn Tết.

– Dạ, thưa anh.

– Cô còn đi học.

– Dạ còn.

– Cô học ở phân khoa nào .

– Dạ sư phạm.

– Hân hạnh chúc mừng cô giáo tương lai.

– Dạ Cám ơn anh .

– Chắc cô gần đi dạy.

– Dạ sang năm nếu em thi tốt nghiệp đậu .

– À, thì ra năm nay là năm cuối.

– Dạ .

– Cô là cô giáo nên cứ dạ hoài ,đừng có dạ nữa làm cho tôi mắc cỡ quá.

– Dạ em quen rồi .

– Cô là cô giáo, vậy cô có biết hai câu thơ này là của ai không:

“Người ơi gặp gỡ làm chi

Trăm năm biết có duyên gì hay không?”

– Dạ biết.

– Vậy cô có thể cho tôi biết tên và địa chỉ không?

Nàng nhìn hắn một thoáng thật lâu rồi từ từ nói:

– Em tên là Diệp, chung cư Đại học Sư phạm số..đường…Sài Gòn.

– Ngọc Diệp có phải không?

– Ủa sao anh biết hay vậy?

– Bởi vì tôi là chữ lót của cô mà .

– Tên của anh là Ngọc?

– Tôi lúc nào cũng muốn đứng sau và bảo vệ cho cô.

Nàng lại đỏ bừng mặt,nhìn hắn cười mỉm:

– Anh nịnh đầm và dẻo miệng ghê.

Những câu chuyện của hai đứa càng thân mật và thú vị, phút chốc hắn tưởng như là quên mất cái lý do phải xuống Vũng Tàu trong ngày hôm nay.

Con đường hình như càng thu ngắn lại,chiếc xe đò của buổi xế chiều cuối năm chạy ngang qua Phú Mỹ, rồi núi Ông Trịnh, Chu Hải khiến hắn nhớ đến chuyến vượt biên lần trước; cũng tại nơi này cả nhóm chạy thoát trong gang tấc vì sự ăn chia không đồng đều giữa công an và dân phòng địa phương.

Nhìn vào ngỏ rẻ hướng về một hòn núi xa xa tận Vũng Tàu, nơi mà có thể là tối nay hay mai , hắn sẽ rời bỏ quê hương. Hắn bùi ngùi giọng hơi buồn:

– Cô Diệp ở Vũng Tàu , thế có bao giờ đến đảo xã Long Sơn chưa vậy.

– Dạ chưa anh.

-Đảo Long Sơn, đúng là một điểm vô cùng hy hữu và thú vị.Người dân trong đảo đa số đều mặc đồ bà ba đen và theo đạo Ông Trần, một đạo phái thờ cúng ông bà của dân Việt Nam ;đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Nó thoát thai cũng từ đạo Bửu Sơn Kỳ Hương của Đức Phật Thầy Tây An ; tiền thân của Phật giáo Hoà Hảo.

-Anh kể chuyện hay quá! Chắc hồi đó học ở Văn Khoa trước 75 phải không?

-Tôi thi Kiến trúc năm 76 , vì học dở nên rớt, đâu có giỏi như Ngọc Diệp mà đậu đại học.

-Chỉ may mắn mà thôi anh.

-Không biết tôi có may mắn có cơ hội gặp lại Diệp?

-Cái này phải tuỳ ; ngừng một chút nàng đáp nhỏ chữ … duyên.

Hai người chia tay tại bến xe.Hắn ngẩn ngơ nhìn cái dáng người uyển chuyển tung bay với hai tà áo dài trắng phất phơ,một ký ức học trò còn sót lại của ngày cuối cùng trên quê hương? Âm vang đâu đây cái không khí Tết của những bài hát rộn ràng hương vị cuối năm.

Bất chợt một cảm giác tiếc nuối và hụt hẫng tự nhiên tràn ngập trong lòng, khi hắn nhớ lại chữ Duyên nho nhỏ của nàng

“Người ơi gặp gỡ làm chi

Trăm năm biết có duyên gì hay không?”(Nguyễn Du).

Đêm 28 Tết năm ấy, vì sợ bị để ý, người tổ chức không dám chứa hắn trong nhà mà kêu ra khách sạn trọ ngủ. Kinh nghiệm qua mấy lần vượt biên hắn không dám vào khách sạn với giấy tờ giả, mà phải lang thang ở bãi biển để rồi mướn một cái chiếu tại bến xe, đợi chờ những tiếng đồng hồ trôi qua chậm chạp.

Buổi sáng thức dậy cũng bổn cũ soạn lại, hắn đi một vòng quanh nhà người tổ chức, rồi từ Thắng Nhứt lội bộ hằng mấy cây số ra bãi sau, tiến vào trung tâm thị xã, qua những hàng cây bàng, cây me, cây dương những đại lộ ngập nắng mong được gặp lại lần cuối cùng tà áo dài trắng của cô giáo tương lai mà hắn đinh ninh chắc chắn là có duyên.

Tối 29 biển động mạnh, và chuyến vượt biên đành hủy bỏ.Tất cả khách đều phải trở về nhà đón Tết. Đúng là năm cùng tháng tận, cái số của hắn nó đen như là đêm 30 Tết.

Hắn biết tin trễ, không còn xe trở về Sài Gòn đành phải lang thang trên những con đường mà có thể là nhà nàng ở trong đó.

Vừa đi hắn vừa thì thầm một ca khúc của Vũ thành An được phổ từ thơ thi sĩ Nguyễn đình Toàn:

“Anh đến thăm em đêm 30

Còn đêm nào vui bằng đêm 30

Anh nói với người phu quét đường

Xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em …

Nghĩ cũng thật lạ vô cùng, chỉ mới có gặp lần đầu, chưa hiểu gia thế ra sao mà đã vội vàng tưởng nhớ . Nếu đêm nay như đúng với chương trình, hắn theo tàu ra khơi thì chắc chắn cái dư âm của chuyến xe cuối năm ngày nào sẽ vùi sâu giữa lòng biển cả.

Cái tánh đa tình của hắn, nó đã thấm vào tim vào óc rồi không thể nào tẩy được:

“Ai bảo em là giai nhân cho đời anh đau khổ.

Ai bảo em ngồi bên khung cửa sổ cho anh vướng vấn nợ thi nhân”

(Lưu trọng Lư).

Hay là:

“Gặp nhau duyên nợ tình cờ

Gần nhau thoáng chốc đâu ngờ lại xa

Trao ai ánh mắt …thiết tha

Vấn vương một kiếp, phôi pha một đời.”

(thơ TiPi)

Bất chợt tiếng pháo giao thừa đâu đó reo vang rền ầm ĩ, ngang qua một căn nhà, hắn dừng lại và đưa mắt nhìn vào. Một bàn thờ lộ thiên đã làm sẵn ,lễ đưa tiễn ông bà tổ tiên trong đêm 30 Tết để tỏ lòng nhớ ơn và tôn kính, một truyền thống phong tục đây rồi.

Hắn chợt nhớ tới gia đình, hai hàng nước mắt lại ứa ra. Để thể hiện cái cảm xúc đang trào dâng trong tâm hồn, hắn vừa đi vừa khe khẽ hát :

“Đêm đông, ôi ta nhớ nhung đường về xa xa.

Đêm đông, ta mơ giấc mơ gia đình, yêu đương

Đêm đông, ta lê bước chân phong trần tha phương .

Có ai thấu tình cô lữ, đêm đông không nhà.”(Nguyễn văn Thương ).

Một đêm thức trắng, đêm 30 Tết người ta đang quây quần bên thân bằng quyến thuộc, bên tách trà ngon bên ly rượu ấm. Còn hắn ngồi thừ người trong nhà chờ xe, uống gió lạnh sương khuya, tai nghe tiếng pháo đì đùng. Hắn tống cựu nghinh tân với nỗi cô đơn bằng những điếu thuốc lập loè trong đêm tối…

**************

Còn tiếp phần cuối

Hồ ngọc Danh.

By admin

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *