NÓI SAO VỚI TẾT?

Sớm mơi ba Mạnh ghé qua, ông năm Hòa đón tiếp, sau khi hai người “phân ngôi chủ khách cùng ngồi”, ông năm vừa rót nước vừa ngó ba Mạnh, hỏi:
– Hồi qua đi đâu mà hổng qua uống nước?
– Dạ hồi qua tui về An Mỹ đón giỗ má tui tới chiều mới về.
– Nói gì mà trẹo bản họng vậy ông tướng? Ông năm trố mắt hỏi lại.
– Sao mà trẹo chú năm?
– Trước giờ người ta nói ăn giỗ chớ có ai nói đón giỗ đâu nà.
– Thì giỗ hay tết cũng là lễ do người ta đặt ra, nên nói đón tết thì cũng nói đón giỗ được vậy. Bây giờ đời sống có khác xưa nói vui tết, chơi tết, đón tết chú năm chọn cách nói nào?
– Tui không chọn cách nào hết, tui chỉ nói ăn tết thôi. Mà lý do nào lại phải thay đổi cách nói như vậy chớ?
Ba Mạnh uống hớp nước nói tiếp: trước kia dân mình nghèo, thiếu ăn kinh niên nên ai ai cũng trông tới tết để được ăn uống cho thỏa thê bù lại những ngày kham khổ cực nhọc trong năm nên ngày xưa nói là ăn tết. Còn ngày nay kinh tế đã khắm khá, không còn thiếu ăn nên ngày tết chủ yếu là để vui, là để chơi nên cần nói lại là đón tết hay vui tết hoặc chơi tết cho phù hợp.
Ông năm trầm ngâm một lát rồi hắng giọng nói: ôi! Nghĩ như vậy không phải là đơn giản, là võ đoán lắm sao? Bởi cái từ “ăn tết” đã được tiền nhân đặt để từ lâu, lâu lắm rồi! Chúng ta nhớ trong lời phủ dụ ba quân của vua Quang Trung ở Tam Điệp có dùng từ “ăn tết” rồi đó. Mà tổ tiên người Việt Nam đâu phải là không giỏi chữ nghĩa để chọn từ, mà lại chọn một cách thô thiển như người ta nghĩ như vậy. Không thể hiểu từ “ăn” ở đây là việc đưa đồ ăn vô miệng để rồi đi tuốt xuống bao tử. Mà từ “ăn” ở đây là nói lên sự tận hưởng niềm vui, chúng ta có thể tìm được từ ăn theo nghĩa này trong thực tế, như thắng trong một cuộc đấu thì nói là “ăn”. Mấy ngàn năm lịch sử của Việt Nam cũng có nhiều thời thái bình thạnh trị lắm chớ “Thời vua Thái Tổ, Thái Tông lúa thóc đầy đồng trâu chẳng thèm ăn” nhưng người Việt mình vẫn nói là “ăn tết” chớ đâu phải chỉ đến bây giờ. Trong việc ăn tết xưa nay đều có chứa sẵn cả yếu tố vui và chơi trong đó không bao giờ thiếu. Người xưa dùng từ “chơi” đối với xuân, phân biệt rõ vậy chớ không phải không biết dùng từ “chơi” đâu! ” chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân – Nguyễn Du”. “Đón” là người ta chờ một sự vật, một hiện tượng khách quan chuyển đến để nhận lấy. Còn “tết” là cái chủ quan do người ta đặt ra thì đâu nói là “đón” tết được, nó đâu thể hiện hết sự tận hưởng niềm vui của mọi người. Người xưa rõ ràng đã phân biệt dùng từ “đón” trong trường hợp đón xuân, đón giao thừa chớ không nói đón tết rõ ràng là có chủ ý. Hãy cân nhắc thật kỹ khi muốn sửa một từ của tiền nhân.
Ba Mạnh hớp một hớp nước, gật gù ra chiều vừa ý lắm.

By LocPT

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *