(Chia sẻ & nội dung bởi : Nguyen Loi)

TÊN GỌI

CỦA BỆNH VIỆN TÂM THẦN TRUNG ƯƠNG 2

QUA CÁC THỜI KỲ

Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 được thành lập ngày 17.3.1915. Từ đó đến nay bệnh viện đã nhiều lần đổi tên tùy theo biến động lịch sử chính trị của đất nước hay để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của bệnh viện theo từng giai đoạn. Trong suốt gần 100 năm xây dựng và phát triển, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 đã trải qua 10 tên gọi khác nhau.

1. TRẠI NGƯỜI ĐIÊN BIÊN HÒA (1918 – 1937)

Tên gọi đầu tiên là ASILE D’ALIENES DE BIEN HOA. Một số tài liệu dịch là Trại người điên Biên Hòa, một số tài liệu khác gọi là Trú xá của người điên Biên Hòa; nhưng người dân vẫn thường gọi là Nhà Thương Điên Biên Hòa. Tên gọi này ngày nay vẫn còn lưu hành trong nhân dân. Đây là tên gọi được chính thức sử dụng từ năm 1918 theo Nghị định ngày 03.5.1918 của Toàn quyền Đông Dương, tồn tại suốt 19 năm và kết thúc năm 1937 theo Nghị định số 4940 ngày 21.11.1937 của Toàn quyền Đông Dương [1].

Trong thời kỳ này, nơi đây được xem như một trại giam giữ người điên với nhiệm vụ chủ yếu là quản lý người bệnh để tránh gây rối cho xã hội [2]. Bởi vậy, trước đây mỗi khi nói đến Biên Hòa người ta thường liên tưởng đến Nhà Thương Điên Biên Hòa với hàm ý coi thường, miệt thị… Bệnh viện thuộc quyền điều hành của các giám đốc là những bác sĩ người Pháp. Giai đoạn này được xem giai đoạn khởi đầu và áp dụng các luật lệ; bệnh viện được xem như một cơ sở canh nông, phương pháp chữa bệnh chủ yếu là lấy lao tác làm gốc [4].

2. DƯỠNG TRÍ VIỆN NAM KỲ (1937 – 1953)

Tên gọi thứ 2 của bệnh viện là HÔPITAL PSYCHIATRIQUE DE COCHINCHINE (Dưỡng Trí Viện Nam Kỳ). Tên gọi này tồn tại 12 năm, bắt đầu được sử dụng từ ngày 24.11.1937 theo Nghị định số 4940 của Toàn quyền Đông Dương và kết thúc sau ngày 20.11.1953 theo Nghị định số 88 YT/BV của Tổng trưởng Bộ Y tế.

Sở dĩ có sự đổi tên này là do lúc này ở Pháp có sự thay đổi lớn trong ngành tâm thần. Theo Sắc luật ngày 5.4.1937 thì tất cả các cơ sở tâm thần công và tư ở Pháp đều được đổi tên thành Bệnh viện Tâm thần. Đây là một bước tiến bộ sâu sắc và nhân đạo đối với bệnh nhân tâm thần là chuyển từ “Nhà giam giữ người điên” sang Bệnh viện Tâm thần, một cơ sở điều trị bệnh nhân tâm thần như tất cả các bệnh viện khác. Bởi vậy, tại Đông Dương theo Nghị định của Toàn quyền Đông Dương ngày 24.11.1937, Nhà Thương Điên Biên Hòa cũng được đổi tên thành Hôpital Psychiatrique de Cochinchine (Dưỡng Trí Viện Nam Kỳ).

Do những biến động về mặt chính trị của đất nước năm 1945 nên tên gọi này có giai đoạn được thay đổi tùy theo thể chế chính trị lúc đó: Dưỡng Trí Viện Nam Kỳ – Dưỡng Trí Đường Biên Hòa – Dưỡng Trí Đường Trần Phú – Dưỡng Trí Viện Nam Kỳ.

3. DƯỠNG TRÍ ĐƯỜNG BIÊN HÒA

Năm 1945, trong giai đoạn Việt Minh nắm chính quyền, Dưỡng Trí Viện được gọi là Dưỡng Trí Đường Biên Hòa (theo văn bản số 3231VM do ông Hoàng Minh Châu ký ngày 12.10.1945). Nhưng tên gọi này chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn [1].

4. DƯỠNG TRÍ ĐƯỜNG TRẦN PHÚ

Theo Tờ Cử của Ủy ban Hành chánh Lâm thời Tỉnh bộ Biên Hòa do ông Huỳnh Văn Hớn ký ngày 4.9.1945, bệnh viện có tên là Dưỡng Trí Đường Trần Phú và được điều hành bởi một Ủy ban do ông Lưu Văn Văn làm Ủy viên trưởng [5].

Tuy nhiên tên gọi này chỉ tồn tại hơn 1 tháng, sau khi thực dân Pháp tái chiếm Biên Hòa, ngày 28.10.1945 Ủy ban Nhân dân Trần Phú rời khỏi bệnh viện, bệnh viện bị người Pháp chiếm đóng và tên gọi Dưỡng Trí Đường Nam Kỳ được sử dụng trở lại cho đến năm 1953.

5. DƯỠNG TRÍ VIỆN MIỀN NAM VIỆT NAM TẠI BIÊN HÒA

(HÔPITAL PSYCHIATRIQUE DU SUD VIETNAM À BIENHOA)

Đây là giai đoạn Chủ nghĩa thực dân Pháp chuẩn bị rút khỏi Việt Nam, Dưỡng Trí Viện chịu sự quản lý Chính quyền miền Nam Việt Nam do Mỹ bảo trợ. Tên gọi Dưỡng Trí Viện Nam Kỳ lúc nấy không còn phù hợp nữa nên đã được đổi lại là Dưỡng Trí Viện miền Nam Việt Nam tại Biên Hòa (Hôpital Psychiatrique du sub Vietnam à BienHoa) theo Nghị định số 88 YT/BV ngày 20.11.1953 của Tổng trưởng Bộ Y tế.

Tuy nhiên, tên gọi này chỉ tồn tại hơn 1 năm (từ 11.1953 đến 11.7.1955)

6. DƯỠNG TRÍ VIỆN BÁC SĨ NGUYỄN VĂN HOÀI (1955 – 1971)

Bác sĩ Nguyễn Văn Hoài là vị giám đốc người Việt đầu tiên của Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2. Ông là người có công rất lớn trong việc xây dựng và phát triển của bệnh viện những năm 1930 – 1955, là người lèo lái con thuyền Dưỡng Trí Viện vượt qua giông ba bão tố của những năm 1945 và đã thực sự biến bệnh viện từ một nơi “giam giữ người điên” thành “thiên đường cho người đi dưỡng trí”.

Ngày 28.5.1955, bác sĩ Nguyễn Văn Hoài đột ngột qua đời tại bệnh viện, để lại bao điều thương tiếc đối với toàn thể nhân viên, bệnh nhân và thân nhân người bệnh. Để ghi nhớ công lao to lớn của vị bác sĩ tài ba và giàu lòng nhân hậu này, căn cứ theo Nghị định số 1918 HCSV ngày 11.7.1955 của Chính quyền miền Nam Việt Nam, Dưỡng Trí Viện miền Nam Việt Nam tại Biên Hòa được đổi tên là Dưỡng Trí Viện Bác sĩ Nguyễn Văn Hoài cùng với việc lấy đoạn đường Quốc lộ 1 chạy ngang qua bệnh viện đến chợ Biên Hòa để đặt tên “Đường Bác sĩ Nguyễn Văn Hoài”.

7. BỆNH VIỆN TÂM TRÍ BÁC SĨ NGUYỄN VĂN HOÀI (1971 – 1975)

Từ những năm 1970, chức năng nhiệm vụ của bệnh viện có sự thay đổi lớn là chú ý đến chức năng điều trị nhiều hơn là di dưỡng nên căn cứ theo Nghị định số 3243-BYT/PC/NĐ ngày 26.7.1971 nên Dưỡng Trí Viện được đổi tên thành Bệnh viện Tâm trí Bác sĩ Nguyễn Văn Hoài. Tên gọi này được duy trì đến 30.4.1975.

8. BỆNH VIỆN TÂM TRÍ BIÊN HÒA (1975 – 1980)

Sau ngày 30.4.1975, vào cuối tháng 5, chính quyền cách mạng chính thức tiếp quản bệnh viện và tên gọi của bệnh viện được đổi lại là Bệnh viện Tâm trí Biên Hòa.

9. BỆNH VIỆN TÂM THẦN BIÊN HÒA (1980 – 2003)

Năm 1980 bệnh viện lại được đổi tên thành Bệnh viện Tâm thần Biên Hòa. Mục đích của việc đổi tên lần này có lẽ là để thống nhất về tên gọi “Tâm thần” chung trong cả nước. Tên gọi này được sử dụng suốt 23 năm (1980 – 2003) và đã trở nên quen thuộc với người dân cả nước, nhất là các tỉnh phía Nam.

10. BỆNH VIỆN TÂM THẦN TRUNG ƯƠNG 2 (2003 – đến nay)

Sau năm 2000, ngành tâm thần bắt đầu phát triển mạnh mẽ. Cả nước có 2 bệnh viện tâm thần lớn là Thường Tín và Biên Hòa trực thuộc Bộ Y tế; ngoài ra, một số tỉnh cũng đã xây dựng bệnh viện tâm thần. Hai bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế này ngoài chức năng điều trị còn có nhiệm vụ chỉ đạo mạng lưới Chăm sóc Sức khỏe Tâm thần Cộng đồng trong cả nước và hợp tác quốc tế. Để phù hợp với chức năng nhiệm vụ trong tình hình mới, đồng thời để thuận tiện trong hợp tác quốc tế nên theo Nghị định 49/2003 NĐ-CP do Thủ tướng Chính phủ ký ngày 13.6.2003 và Quyết định 2220/QĐ-BYT của Bộ Y tế ký ngày 18.6.2003, Bệnh viện Tâm thần Biên Hòa được đổi tên thành Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 (còn Bệnh viện Tâm thần Thường Tín được đổi tên thành Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1).

Đây là tên gọi mà bệnh viện chúng tôi đang sử dụng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Kỷ yếu 80 năm thành lập và phát triển Bệnh viện Tâm thần Biên Hòa (1915 – 1995)

2. Bệnh viện Tâm thần Biên Hòa, 2 năm chuyển giao thế hệ & chuyển giao thế kỷ 1999 – 2000.

3. Kỷ yếu Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2, 90 năm hình thành & phát triển.

4. Lịch sử 35 năm của Bệnh viện Tâm thần Biên Hòa (từ 1918 đến 1953) của bác sĩ Nguyễn Văn Hoài, bản viết tay.

5. Tờ cử của Ủy ban hành chánh lâm thời Tỉnh bộ Biên Hòa

Biên Hòa, 23.8.2013

By LocPT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *